Việc cấm nhập khẩu với mác thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở khiến hàng loạt doanh nghiệp gia công, chế tạo thép không gỉ, gia công cơ khí, đồ gia dụng trong nước... có nguy cơ phá sản vì không thể nhập khẩu được nguyên liệu để sản xuất.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN - quy chuẩn 20) của Bộ KH&CN, có hiệu lực từ đầu năm 2023, thép không gỉ được đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2 (nhóm tiềm ẩn khả năng gây hại) và phải được kiểm tra nhà nước.
Khó khăn của doạn nghiệp với quy chuẩn thép không gỉ
Theo đó, các mác thép được nhập khẩu và lưu hành phải có thành phần hóa học phù hợp với yêu cầu của mác thép tiêu chuẩn công bố như hàm lượng crom không thấp hơn 10,5%, hàm lượng carbon không lớn hơn 1,2%...
Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng ra sao?
Doanh nghiệp mất đơn hàng, giảm nhân công
Trong đơn kiến nghị vừa được gửi tới Thủ tướng, nhóm 27 doanh nghiệp thép không gỉ cho hay quy chuẩn 20 không đưa tiêu chuẩn cơ sở vào danh mục dẫn chiếu nên các sản phẩm này hoàn toàn bị loại khỏi thị trường và bị xem là sản phẩm kém chất lượng. Do vậy, hàng trăm nhà sản xuất thép không gỉ và sử dụng nguyên liệu này không thể nhập khẩu, không có nguyên liệu sản xuất, gia công nên bị cắt giảm doanh thu, cắt giảm lao động và đối diện nguy cơ phá sản.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thế Hưng - giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tiến Đạt - cho biết từ khi quy chuẩn 20 được áp dụng vào đầu năm nay, doanh nghiệp bị chặn đứng việc nhập nguyên liệu thép không gỉ có tiêu chuẩn cơ sở. Mọi hoạt động sản xuất, gia công, chế tạo liên quan đến nguyên liệu này phải dừng hoàn toàn, trong khi đây là mảng kinh doanh chiếm tới 40% doanh thu của doanh nghiệp.
Sau khi dùng hết số nguyên liệu còn lại, doanh nghiệp không có nguyên liệu sản xuất, công nhân không có việc làm nên phải cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Dù đã cố gắng cầm cự nhưng mảng kinh doanh khác của doanh nghiệp cũng "không bù đắp nổi". Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, mác thép này còn được làm nguyên liệu gia công để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Ấn Độ... nên việc thiếu nguyên liệu khiến doanh nghiệp bị mất đơn hàng giá trị lớn.
"Trong khi các nước phát triển và có thu nhập cao hơn vẫn đang sử dụng nguyên liệu này, VN là nước đang phát triển, người dân có thu nhập thấp hơn lại không được sử dụng. Ngay cả nhập khẩu về để sản xuất hàng xuất khẩu cũng không được, khiến doanh nghiệp không còn cơ hội làm ăn dù nhu cầu thị trường rất lớn" - ông Hưng nói và cho biết doanh nghiệp chỉ còn biết nhìn thị trường, khách hàng được gầy dựng trong nhiều năm bị mất dần vào tay đối thủ và các sản phẩm nhập ngoại.
Ông Đỗ Văn Trường, giám đốc Công ty TNHH kim khí Trường Sơn - đơn vị sử dụng loại thép inox này để làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng, cũng xác nhận từ khi không mua được nguyên liệu, doanh nghiệp bị đứt nguồn cung ra thị trường, khách hàng phải quay sang nhập khẩu. "Việc cấm nhập khẩu và lưu hành nguyên liệu vô hình trung đẩy nhà sản xuất trong nước vào thế không thể cạnh tranh, bóp nghẹt sản xuất trong khi nhập khẩu thì rộng cửa" - ông Trường bày tỏ.
Hàng ngoại được nhập khẩu tràn lan
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, lý do mà Bộ KH&CN ban hành quy chuẩn này là để bảo vệ người tiêu dùng khi cho rằng đây là sản phẩm chất lượng thấp, có yếu tố nguy hại. Tuy vậy, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng quan điểm này không thuyết phục bởi nhiều hàng hóa sử dụng nguyên liệu này như đồ trang trí, bàn, ghế, giá, kệ, khung tranh, đồ nội thất... hoàn toàn không tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hại. Với sản phẩm sử dụng thép không gỉ gây mất an toàn như dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm... đã có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với từng sản phẩm.
"Việc ban hành quy chuẩn 20 không chỉ gây chồng chéo, trùng lặp chức năng quản lý mà còn xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng khi hạn chế quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu. Một bộ phận, phân khúc thị trường vẫn có nhu cầu với chủng loại thép và sử dụng hàng hóa làm từ mác thép này do giá thành phù hợp hoặc không được dùng những sản phẩm này hoặc phải chấp nhận bỏ tiền nhiều hơn để mua sản phẩm có giá cao hơn. Quy chuẩn này cũng tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa nhập khẩu so với hàng sản xuất trong nước, tức là bảo hộ ngược" - ông Đức nói.
Ông Phạm Chung Anh, chủ tịch Công ty CP Gia Anh, cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng điều bất hợp lý là chưa có đất nước nào trên thế giới cấm mác thép này, kể cả các nước phát triển như EU, Ấn Độ, Hàn Quốc vẫn sản xuất nguyên liệu này và đơn vị này xuất khẩu bình thường. "Quy định cấm nhập khẩu phôi thép không gỉ này, nhưng sản phẩm dùng phôi này lại được nhập về VN rất nhiều. Như vậy, chúng ta tự mình giết chết doanh nghiệp nội mà không thấy rõ mục đích quản lý là bảo vệ người tiêu dùng", ông Anh nói.
Một chuyên gia ngành thép khẳng định đến nay chưa có báo cáo khoa học, ý kiến từ cơ quan, tổ chức nào cho rằng việc vận chuyển, bảo quản hay sử dụng sản phẩm dùng loại thép không gỉ này sẽ gây nguy hại. Cũng chưa có nước nào ban hành quy chuẩn quốc gia với thép không gỉ, mà chỉ có tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
"Nếu cho rằng mác thép này gây ảnh hưởng, nguy hại đến người tiêu dùng, Bộ KH&CN cần có chứng minh về việc đã có bao nhiêu vụ việc khi sử dụng nguyên liệu này gây nguy hại, sản phẩm chất lượng thấp là thấp như thế nào", vị này nói.
* PGS.TS Lê Thị Hồng Liên (chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá hư hỏng vật liệu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN):
Chỉ nên quản lý việc sử dụng phù hợp với từng loại thép
Độ bền ăn mòn của mỗi loại thép tùy thuộc vào môi trường sử dụng. Nếu sử dụng trong môi trường ôn hòa, xa biển và không bị ô nhiễm bởi các tác nhân axit..., các loại thép không gỉ sẽ có tuổi thọ khá cao.
Chẳng hạn, sử dụng các loại thép làm móc phơi quần áo hoặc sử dụng làm nội thất như giá sách, bàn ghế, tủ... để trong nhà có mái che..., tuổi thọ của sản phẩm có thể lên tới hàng chục năm, rất hiệu quả về kinh tế bởi có giá thành rẻ. Do đó, cần có quy định rõ ràng về từng loại mác thép nhằm quản lý hành vi sử dụng thép theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, phù hợp với từng mác thép.
Triệt tiêu sản xuất trong nước
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết VN vẫn đang phải nhập khẩu phần lớn các mác thép không gỉ do trong nước mới chỉ sản xuất được một số mác thép nhất định. Cụ thể, mỗi năm VN nhập khẩu 450.000 - 500.000 tấn thép không gỉ các loại (riêng dòng thép series 200 chiếm từ 30 - 35%) để phục vụ sản xuất. Trong khi đó, Posco VST có sản lượng sản xuất lớn nhất VN chỉ cung ứng hơn 200.000 tấn mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Minh Đức (đại diện phòng pháp chế VCCI), điều nghịch lý là những sản phẩm sản xuất từ các mác thép này vẫn đang được tự do nhập khẩu và kinh doanh. "Như vậy, quy chuẩn thép không gỉ của Bộ KH&CN chỉ có tác dụng triệt tiêu sản xuất trong nước chứ không tác động đến người tiêu dùng, thậm chí còn giảm sự lựa chọn của người tiêu dùng, buộc họ phải mua hàng hóa đắt hơn", ông Đức nói.